Time: 7:37

Đau cổ vai gáy có nguy hiểm, khi nào là bệnh lý phải nhập viện?

Thứ sáu, 09 Tháng 5 2025 10:31

Đau cổ vai gáy là tình trạng cơ của vùng vai gáy bị co cứng gây nên những cơn đau. Ngoài ra, người bệnh còn bị hạn chế một số vận động như quay cổ, quay đầu. Những cơn đau này thường xuất hiện vào buổi sáng, liên quan đến hệ cơ xương khớp và mạch máu tại vùng vai gáy.

Khi bị đau cổ vai gáy, ban đầu người bệnh chỉ thấy có cảm giác đau nhẹ, mỏi vùng vai gáy. Những cơn đau này sẽ tăng thêm về mức độ và tần suất xuất hiện nếu bệnh kéo dài. Cơn đau càng biểu hiện rõ ràng khi người bệnh lao động nặng, vận động cổ, vai, gáy nhiều.

Bệnh đau cổ vai gáy thường xuất hiện bất ngờ, không báo trước. Có thể sau khi ngủ dậy người bệnh cảm thấy đau vùng cổ vai gáy và gặp khó khăn trong việc vận động vùng cổ.

Đối tượng nguy cơ gây đau cổ vai gáy

Các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh đau cổ vai gáy như:

  • Những người làm công việc văn phòng, lái xe, lao động nặng.
  • Những đối tượng bị tác động từ bên ngoài, các tác động bệnh lý bên trong cơ thể như những người bị thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm, lao, ung thư vùng cổ cũng là nguyên nhân trực tiếp gây ra đau mỏi vai gáy triền miên cho người bệnh.
  • Những người bị dị tật bẩm sinh vùng cổ, gáy, do thay đổi thời tiết.

Nguyên nhân đau cổ vai gáy?

Đau cổ vai gáy là tình trạng khá nhiều người gặp phải. Bệnh lý này do nhiều nguyên nhân gây nên, có thể do cơ học hoặc do bệnh lý.

Một số nguyên nhân dưới đây có thể khiến bạn bị đau cổ vai gáy:

  • Tập luyện quá sức: Trường hợp tập luyện quá sức, tập sai kỹ thuật có thể khiến bạn bị đau mỏi vai gáy. Ngoài ra, không khởi động trước khi vận động mạnh cũng gây nên tình trạng này.
  • Hoạt động sai tư thế: Ngồi cong lưng trong thời gian dài, ngủ gục xuống bàn…có thể khiến mạch máu bị chèn ép, lưu thông chậm lên vùng cổ dẫn đến đau mỏi.
  • Tính chất công việc: Những công việc phải ngồi hoặc đứng một chỗ trong thời gian dài sẽ khiến các cơ vùng cổ, bả vai bị chèn ép, thiếu máu nuôi dưỡng nên dễ bị đau mỏi.
  • Thiếu dinh dưỡng: Việc thiếu một số vitamin, khoáng chất, đặc biệt là canxi có thể khiến dây thần kinh ngoại vi hoạt động yếu hơn, dẫn đến đau đớn, tê bì vùng vai gáy.
  • Chấn thương: Chấn thương vùng vai gáy có thể làm tổn thương dây chằng, đốt sống… Điều này có thể dẫn đến tình trạng đau cổ vai gáy.
  • Nhiễm lạnh: Cơ thể nhiễm lạnh có thể khiến dây thần kinh bị tổn thương, lâu dần gây tình trạng đau mỏi vai gáy.

Đau cổ vai gáy khi nào là bệnh lý?

Một số nguyên nhân bệnh lý khiến đau cổ vai gáy bao gồm:

  • Do thoái hóa đốt sống cổ: Khi bị bệnh này, các gai xương sẽ xuất hiện và chèn ép vào dây thần kinh ở cổ vai gáy, gây đau nhức, mỏi. Người bệnh thường cảm thấy đau, cứng cổ mỗi khi ngủ dậy. Đối tượng dễ mắc nhất là người trung niên (trên 40 tuổi).
  • Rối loạn chức năng thần kinh: Các dây thần kinh vùng cổ vai gáy bị kéo dài quá sẽ gây đau mỏi. Người bệnh không chỉ bị đau cổ vai gáy mà còn có các triệu chứng như khó ngủ, mất tập trung, dễ xúc động…
  • Vôi hóa cột sống: Cột sống bị vôi hóa khi canxi lắng đọng bám vào thân đốt sống. Những chồi xương này chèn ép rễ thần kinh ống sống dẫn tới đau cổ vai gáy và khó vận động.
  • Viêm bao khớp vai: Bị bệnh này, người bệnh sẽ thấy đau một bên khớp vai khi trời lạnh hoặc đau lúc nửa đêm, nhất là khi nằm nghiêng. Nhiều trường hợp người bệnh còn không thể vòng tay ra sau, không với tay lấy được đồ trên cao hoặc đau khi chải đầu.
  • Rối loạn khớp bả vai lồng ngực: Thường xuyên phải ngồi một chỗ trong nhiều giờ khiến cho các cơ bị căng giãn quá mức, dẫn đến đau mỏi vai gáy. Bệnh lý này thường gặp ở những người làm nghề thợ may, nhân viên văn phòng, lái xe…

Đau cổ vai gáy có nguy hiểm không?

Đau cổ vai gáy có nguy hiểm, khi nào là bệnh lý phải nhập viện?- Ảnh 1.
 

Bệnh đau cổ vai gáy thường xuất hiện bất ngờ, không báo trước.

Phần lớn, người bệnh đau cổ vai gáy có thể cải thiện hiệu quả nếu được phát hiện, điều trị phù hợp. Ngược lại, bệnh để kéo dài không điều trị có nguy cơ tàn tật vĩnh viễn hoặc bệnh nặng hơn. Đau cổ vai gáy dai dẳng còn có thể cảnh báo các bệnh ung thư liên quan, di căn đến cổ vai gáy điển hình như ung thư phổi, ung thư loại đầu cổ...

Khi nào cần đi gặp bác sĩ?

Một số trường hợp khẩn cấp cần can thiệp y tế ngay lập tức bao gồm:

  • Cảm giác đau vùng cổ vai gáy xuất hiện sau tai nạn giao thông, va chạm, chấn thương…
  • Hạn chế chuyển động vùng cổ, gáy.
  • Cơn đau và tê lan dần đến vùng cánh tay và chân.
  • Cổ bị cứng kèm triệu chứng nhức đầu dữ dội, ruột và bàng quang có vấn đề.
  • Cơn đau không giảm, xuất hiện sốt, buồn nôn, khối u bất thường ở đầu hoặc cổ.

Phòng ngừa bệnh đau cổ vai gáy

Để phòng ngừa bệnh đau cổ vai gáy có thể kể đến một số biện pháp sau:

  • Có chế độ tập luyện thể dục thể thao phù hợp, lựa chọn các bài tập vừa sức, phù hợp với sức khỏe của bản thân.
  • Cần có chế độ làm việc hợp lý, nên vận động và nghỉ giải lao khi ngồi lâu.
  • Có tư thế đúng khi ngồi đọc sách, học bài, đánh máy, cổ luôn thẳng, không cúi gập cổ quá lâu. Lựa chọn gối phù hợp, không nằm gối quá cao.
  • Có chế độ dinh dưỡng phù hợp, cần ăn đủ chất, bổ sung một số khoáng chất thiết yếu cho cơ thể như: như canxi, kali, các vitamin nhóm B, C, E,…

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Đánh giá mục này
(0 bỏ phiếu)
Đọc 6 lần

Truyền thông Giáo dục sức khỏe

30042025

  1. Xem nhiều
  2. Bình luận
  3. Tag

Hỗ trợ trực tuyến

641 Quang Trung, Phường 11, Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (08)3.589.1799 - (08)3.894.2641
Hotline: 1900 9095

3117622
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Cộng
2162
2938
15134
3086969
24334
70774
3117622

IP: 3.145.133.121
Server: 2025-05-09 19:37:29
 
  

dv ksk2