Có nên nhỏ sữa mẹ vào mắt trẻ sơ sinh để chữa đau mắt đỏ cho trẻ không? là thắc mắc của rất nhiều bà mẹ mới sinh con và lần đầu làm mẹ. Về vấn đề này, ThS.BS. Lê Việt Sơn - Trưởng Khoa Mắt BV Bạch Mai cho biết, ai cũng biết rõ lợi ích của sữa mẹ, cung cấp nhiều dưỡng chất đồng thời bảo vệ cho cơ thể trẻ. Tuy nhiên, việc nhỏ sữa mẹ vào mắt trẻ để chữa bệnh về mắt hay làm tăng sức đề kháng cho mắt là không có cơ sở khoa học.
Tăng nguy cơ vi khuẩn tấn công
Trong sữa mẹ có đầy đủ các chất như đạm, lactose, sắt, DHA, lapase, amylase,... đều là những chất dinh dưỡng giúp phát triển thể chất, trí não của trẻ. Ngoài ra, sữa mẹ còn chứa những dưỡng chất tăng cường hệ miễn dịch, là một nguồn kháng thể bảo vệ cho cơ thể trẻ, bao gồm: Secretory IgA, IgG, IgM, IgD và IgE là những loại kháng thể, nhiều nhất là IgA tiết, Oligosaccharide, Mucin, Lactoferrin...
Mặc dù trong sữa mẹ có nhiều dưỡng chất, kháng thể tốt cho cơ thể bé, nhưng nó chỉ phát huy hiệu quả khi mẹ cho bé bú đúng cách, chứ không có tác dụng nhiều đối với việc tiêu diệt vi khuẩn trong mắt. Chính vì vậy, việc nhỏ sữa mẹ vào mắt trẻ để chữa bệnh về mắt hay làm tăng sức đề kháng cho mắt là không có cơ sở khoa học.
Hơn nữa, sữa mẹ chứa nhiều dưỡng chất là môi trường “lý tưởng” giúp vi khuẩn sinh sôi, nảy nở nên nhỏ sữa vào mắt còn làm tăng nguy cơ vi khuẩn tấn công khiến bé mắc các bệnh về mắt. Đối với những trẻ đang bị các bệnh về mắt, khi nhỏ sữa mẹ dễ khiến cho bệnh trở nặng hơn, dẫn đến các biến chứng như viêm loét giác mạc, nguy hiểm nhất là làm giảm thị lực của bé.
Không nên nhỏ sữa mẹ vào mắt trẻ sơ sinh.
Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt khi chưa có chỉ định
Theo BS. Sơn, đau mắt đỏ là từ dân gian còn thuật ngữ chuyên môn gọi là viêm kết mạc cấp, là một bệnh lý phổ biến về mắt. Thời tiết mưa nắng thất thường rất dễ tạo điều kiện cho bệnh đau mắt đỏ phát triển, nhất là ở trẻ em khi hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu. Nguyên nhân gây viêm kết mạc thông thường là do vi khuẩn và virut. Bệnh rất dễ lây lan trong môi trường do tiếp xúc, nói chuyện,... Những ngày nắng nóng, ở các bể bơi, không khí bẩn cũng là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các vi khuẩn, virut gây viêm kết mạc. Tuy nhiên, bệnh lại không dễ lây nhiễm nếu như chất tiết của mắt người bệnh và người lành không có sự tiếp xúc trực tiếp.
Khi bị bệnh, trẻ sẽ có những biểu hiện sưng nề, gỉ mắt ra nhiều và sưng rất nhanh, mắt đỏ, có thể thấy xuất huyết dưới kết mạc, kèm theo sợ ánh sáng, chảy nước mắt ở các mức độ khác nhau. Do vậy bé hay quấy khóc. Mặc dù đây cũng là một bệnh lành tính nhưng nếu không điều trị đúng vẫn có tỷ lệ biến chứng khoảng 20%, chủ yếu là viêm giác mạc. Một số trường hợp có thể để lại sẹo giác mạc, gây suy giảm thị lực cho trẻ.
Bác sĩ cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh nếu thấy bé có biểu hiện bất thường về mắt như: gỉ vàng, viêm đỏ, sưng tấy,... thì nên cho bé đi khám tại các chuyên khoa mắt để điều trị kịp thời, không nên làm theo lời truyền miệng về các bài thuốc dân gian hoặc tự ý mua thuốc nhỏ mắt khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Còn nếu muốn vệ sinh mắt hàng ngày cho bé thì chỉ nên nhỏ 1-2 giọt nước muối sinh lý 0,9%, mỗi ngày một lần là đủ.
Mai Thanh