Sáng nay 04/3/2016, Bộ Y tế tổ đã chức hội nghị triển khai kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) giai đoạn 2016-2020 tại TPHCM. Đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã đến dự. PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị còn có nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến; nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ ông Akdag Recep; PGS. TS. Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế; GS.TS. Lê Ngọc Trọng, Chủ tịch Hội Bác sỹ gia đình Việt Nam; Đ/c Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Lãnh đạo các Vụ, Cục trực thuộc Bộ Y tế, cùng Lãnh đạo của các Sở Y tế tỉnh, thành phố…
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đánh giá cao mô hình BSGĐ là một mô hình chăm sóc sức khỏe người dân xuyên suốt, có hệ thống và đặc biệt giúp giảm tải các bệnh viện. Để mô hình này phát huy được hiệu quả, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng: “ Cần cụ thể hơn các mục tiêu của mô hình, nhất là các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội cần có chỉ tiêu cụ thể về số lượng bác sĩ, số phòng khám bác sĩ gia đình, số người dân sẽ tham gia khám chữa bệnh tại các phòng khám bác sĩ gia đình, phải có lộ trình, đồng bộ các giải pháp, hoàn thiện cơ chế chính sách, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị". Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnhđể phát triển mô hình BSGĐ, không chỉ riêng ngành y tế mà cần phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương. Ông đề nghị, Bộ Y tế nên báo cáo với Thủ tướng để chủ trì triển khai mô hình BSGĐ, qua đó, yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, từ cấp tỉnh, thành phố đến quận – huyện và xã- phường phải thực sự vào cuộc, có như vậy mô hình này mới thành công. Bí thư Đinh La Thăng gửi gắm những trăn trở hiện nay của ngành Y tế TP.HCM nói riêng, y tế cả nước nói chung ở 4 lĩnh vực gồm: Các biện pháp giảm tải bệnh viện; Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; Các biện pháp cải cách thủ tục khám chữa bệnh; Các biện pháp tăng cường, nâng cao chất lượng quản lý ngành Dược. Ông cũng cam kết Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để triển khai thành công và nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình. Bí thư đánh giá đây là một giải pháp hết sức quan trọng để giảm tải cho bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị
Ghi nhận những đóng góp của Bí thư Đinh La Thăng, Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết Bộ Y tế sẽ gửi trình Chính phủ xem xét, tham gia chỉ đạo.
Hội nghị đã được nghe GS.Akdag Recep, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ chuyên gia quốc tế chia sẻ phát triển mô hình bác sỹ gia đình. Các đại biểu thảo luận về kế hoạch đào tạo, mô hình phòng khám và lồng ghép BSGĐ vào chức năng nhiệm vụ tại trạm y tế. Đồng thời nêu ra những khó khăn trong quá trình thực hiện như: nguồn nhân lực có chuyên môn còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu hiện tại; phòng khám BSGĐ lồng ghép với trạm y tế còn gặp nhiều khó khăn do người dân chưa tin tưởng chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại trạm y tế nên không đến khám, chữa bệnh tại phòng khám...
GS.Akdag Recep, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ phát triển mô hình bác sỹ gia đình
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: mô hình BSGĐ là hệ thống y tế cơ sở gần dân nhất, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh. BSGĐ là người biết rõ từng người bệnh trong hoàn cảnh và gia đình của họ, xem xét vấn đề sức khỏe của người bệnh trong hoàn cảnh của cộng đồng và lối sống của người đó trong cộng đồng. Mô hình hoạt động BSGĐ tại nước ta hiện nay là mô hình mới, chưa được quan tâm, đầu tư chưa tương xứng, nhiều hạn chế, bất cập và hiệu quả chưa cao. Xuất phát từ thực tiễn bước đầu tiếp cận mô hình BSGĐ ở nước ta và kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cho thấy nếu phát triển mô hình BSGĐ sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên. Bộ trưởng cho rằng BSGĐ phải quản lý được sức khỏe của bệnh nhân, của gia đình bệnh nhân. Khi bệnh nhân chuyển viện, BSGĐ sẽ liên hệ với hệ thống y tế tiếp nhận bệnh nhân để khi bệnh nhân đến đã có người đón. Đó là một trong những quyền lợi của người tham gia mô hình BSGĐ.
Ngoài ra, Bộ Y tế mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đồng hành của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương và cơ quan báo chí truyền thông, cung cấp các thông tin về Hội nghị triển khai kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình BSGĐ giai đoạn 2016-2020 của ngành Y tế, để mô hình phòng khám BSGĐ thực sự đi vào cuộc sống, nhân rộng ra trên cả nước, từng bước góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân ngay từ tuyến cơ sở.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến phát biểu tại hội nghị