Em bé “kỳ tích” này được sinh ra ở bang Arizona của nước Mỹ, em vừa trải qua một ca phẫu thuật có một không hai khi vừa chào đời 6 ngày và cân nặng 3,1 kg. Em bé tên là Oliver, được chẩn đoán mắc bệnh cơ tim giãn, khiến cho tim không thể bơm máu đúng cách làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các bộ phận khác trong cơ thể. Chào đời sớm hơn 7 tuần so với dự kiến, nhưng trái tim của bé lại tương đương với một đứa trẻ 5 tuổi, và có tâm thất trái lớn. Trái tim lớn bất thường của bé ảnh hưởng đến sự phát triển phổi và thận.
Mẹ bé Oliver cho biết, khi được 20 tuần bác sĩ đã cảnh báo về tình trạng bất thường của thai nhi, họ cho biết bé có khả năng tử vong, bé sẽ phải trải qua một cuộc phẫu thuật ghép tim mới sống được. 8 tuần sau đó, mọi chuyện trở nên tồi tệ, tâm thất trái của Oliver lớn hơn gấn 7 lần so với một bào thai ở giai đoạn đó.
Các bác sĩ ở Bệnh viện nhi Phoenix đã quyết định theo dõi trường hợp này và cố gắng giữ thai nhi lớn hơn mặc dù tiên lượng rất xấu, bé có thể tử vong vào bất cứ thời điểm nào. Đến tuần thứ 33, chị Caylyn bị vỡ ối và cậu bé Oliver đã chào đời ở tuần thứ 33, ngay lập tức bé được chăm sóc đặc biệt và ghi tên vào danh sách những người chờ nguồn tạng hiến.
Điều kỳ diệu đã xảy ra cho gia đình em, bé Oliver đã nhận được một món quà tuyệt vời là một trái tim. Oliver đã phải trải qua ca phẫu thuật kéo dài 10giờ và thành công ngoài mong đợi. May mắn là cơ thể của Oliver đã chấp nhận quả tim mới , các bác sĩ cho biết chưa biết lúc nào Oliver có thể được xuất viện. Hàng ngày em phải dùng thuốc chống đào thải, ức chế miễn dịch suốt đời. Các bác sĩ ở Trung tâm tim mạch Phoenix là những người đã sinh ra em lần nữa.
Theo các bác sĩ, những trường hợp ghép các bộ phận cơ thể ở những bệnh nhân nhỏ tuổi như Oliver cực kỳ hiếm, bởi theo quy định ghép các bộ phận cơ thể trẻ ít nhất phải đủ 36 tháng tuổi. Nhưng cũng có những điều kỳ diệu đã xảy ra. Trước Oliver, đã có một em bé tên là Dylan được các bác sĩ tại Cedar- Sinai ở Los Angeles ghép thận thành công khi mới 1 tuổi và hiện cậu bé đã 13 tuổi nhưng vẫn sống khỏe mạnh. Gần đây là một em bé 14 ngày tuổi được ghép tim. Nhưng Oliver vẫn là trường hợp nhỏ nhất vì em sinh non 7 tuần và vừa chào đời được 6 ngày.
Theo các chuyên gia ghép tạng, những đứa trẻ được cấy ghép các bộ phận cơ thể người không chỉ phải dùng thuốc suốt đời, mà phải đối mặt với các thách thức sức khỏe trong tương lai. Tuy nhiên với sự tiến bộ của y học, những trẻ em được cấy ghép các bộ phận cơ thể người sống lâu hơn rất nhiều so với trước đây.
Hải Yến (Theo Medicaldaily)
Nguồn: Báo Sức Khỏe Đời Sống