Đó là quan điểm nhất quán của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi và Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn trong Chương trình Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Giải pháp để quản lý hiệu quả Quỹ BHYT, BHXH” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức tại Hà Nội.
Ảnh minh họa.
Thông tin chung về tình hình sử dụng quỹ BHYT, việc gia tăng chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT thời gian gần đây, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết: 6 tháng đầu năm 2016 tổng chi quỹ KCB BHYT tại tỉnh là 30.372 tỉ đồng, tăng tương ứng 8.545 tỉ đồng (40% so với cùng kỳ năm trước). Đặc biệt, trong 6 tháng 2016 có 37/63 tỉnh có số chi vượt quỹ KCB với số tiền trên 3.400 tỉ đồng. Dự kiến, năm 2016 quỹ BHYT cả nước sẽ bội chi khoảng 5.000 tỉ đồng. Đặc biệt, hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT xảy ra cả ở phía người tham gia BHYT và cơ sở KCB.
Để hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn đưa ra nhiều giải pháp trong đó có ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý quỹ BHXH, BHYT.
Đánh giá về hiệu quả bước đầu của Hệ thống thông tin giám định BHYT được triển khai từ tháng 6/2016, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết, BHXH Việt Nam đã cơ bản hoàn thành việc kết nối với các cơ sở KCB BHYT. Đã có 99,5% cơ sở KCB tại 63 tỉnh, thành phố kết nối thành công vào Cổng thông tin giám định BHYT điện tử. Chỉ còn 66 trạm y tế xã, tại 11 tỉnh chưa kết nối được, do không có điện lưới và internet. Số trạm y tế xã này sẽ thực hiện chuyển hồ sơ qua Trung tâm y tế Huyện để nhập dữ liệu.
Hiện nay, cơ quan BHXH đang tích cực phối hợp với các cơ sở KCB BHYT để chuẩn hóa danh mục thanh toán BHYT; Thực hiện liên thông dữ liệu KCB thông qua Cổng thông tin giám định BHYT trực tuyến trên phạm vi toàn quốc: Tiếp tục hoàn thiện Phần mềm giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT thông qua việc triển khai thí điểm trên địa bàn Hà Nội, đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành để vận hành, sử dụng Hệ thống thông tin giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến, từ năm 2017, BHXH Việt Nam sẽ thực hiện quản lý dữ liệu tập trung và giám định điện tử. Đây được coi sẽ là công cụ hữu hiệu trong quản lý chi phí KCB.
Chia sẻ về công tác quản lý quỹ BHYT, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, trong Luật BHYT, cơ quan BHXH Việt Nam phải đổi mới cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC), hiện đại hóa công nghệ thông tin. Đây là biện pháp có tính chất quản lý khoa học, tránh được tình trạng lạm dụng, trục lợi như hiện nay. Phải nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhưng cũng phải quan tâm đến quản lý bằng các công cụ hiện đại, tránh tình trạng đi khám nhiều lần và nhiều thẻ. “Phải quan tâm đến vấn đề quản lý bằng các công cụ hiện đại, đó là hệ thống quản lý thông tin để làm sao khi đến bất kỳ một cơ sở khám chữa bệnh nào thì đều có cơ sở dữ liệu của bệnh nhân đó. Như vậy, sẽ không còn tình trạng trong một ngày, người bệnh khám ở nhiều bệnh viện, thậm chí khám nhiều lần tại một bệnh viện mà các cơ sở y tế không biết” – Ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết, để tạo thuận lợi nhất cho người dân khi tham gia BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam đang quyết liệt thực hiện công tác CCTTHC, theo Nghị quyết 19 của Chính phủ, thực hiện đơn giản hóa TTHC kết hợp với ứng dụng CNTT và giao dịch điện tử: Giảm từ 115 TTHC xuống còn 33 thủ tục (tính đến hết năm 2015) và 6 tháng đầu năm 2016 giảm còn 32 thủ tục.
Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia giao BHXH Việt Nam thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ chính: Rà soát, đơn giản hồ sơ, quy trình, thủ tục kê khai thu và chi BHXH, BHYT; rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục nộp bảo hiểm bắt buộc đối với doanh nghiệp. Áp dụng CNTT, kết nối mạng giữa các cơ quan BHXH của 63 tỉnh, thành phố, tạo lập cơ sở dữ liệu BHXH tập trung của cả nước, tiến tới thực hiện giao dịch điện tử đối với các thủ tục kê khai, thu nộp và giải quyết chính sách BHXH và BHYT. Xây dựng quy trình, thủ tục thanh tra, kiểm tra BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đối với doanh nghiệp để thống nhất thực hiện. Phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH và các địa phương thống nhất về thẩm quyền, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (giữa) và Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn tham gia tọa đàm trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trên cơ sở những thành công đã đạt được trong thời gian qua, BHXH Việt Nam sẽ tập trung thực hiện những giải pháp sau:
Một là, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các TTHC theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý, tăng cường công tác hậu kiểm.
Hai là, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, trong đó tập trung xây dựng mô hình chính phủ điện tử Ngành BHXH, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, hoàn thiện các phần mềm nghiệp vụ và vận hành tốt Hệ thống thông tin giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT. Xây dựng kịp thời các văn bản hướng dẫn hồ sơ, quy trình giao dịch điện tử đối với các TTHC (thu, cấp sổ thẻ, giải quyết chính sách, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp) để sẵn sàng tổ chức thực hiện Nghị định giao dịch điện tử khi được Chính phủ ban hành.
Ba là, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT, việc làm... của đơn vị sử dụng lao động. Tổ chức thực hiện có hiệu quả quy trình, thủ tục thanh tra, kiểm tra BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Bốn là, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền theo hướng chuyên nghiệp hóa cả về nội dung và phương thức nhằm giúp người dân, doanh nghiệp hiểu được quyền và nghĩa vụ về BHXH, BHYT và tự giác tham gia.
Năm là, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai phát triển đối tượng; thu đúng, đủ, kịp thời, chống tồn đọng; giải quyết đầy đủ, kịp thời quyền lợi về BHXH, BHYT cho người lao động, người có thẻ BHYT.
Sáu là, kiện toàn tổ chức bộ máy phù hợp với quy định tại Nghị định số 01/2016/NĐ-CP của Chính phủ; đảm bảo đúng quy định về rà soát, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có phẩm chất đạo đức, trình độ năng lực và ý thức chấp hành kỷ luật.
Trả lời câu hỏi về việc triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu người tham gia BHYT trên 63 tỉnh thành đóng vai trò như thế nào trong phát triển BHYT toàn dân và trong việc kiểm soát quỹ BHYT, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết, Hệ thống cơ sở dữ liệu người tham gia BHYT có vai trò vô cùng quan trọng trong công tác cải cách TTHC. Hệ thống cơ sở dữ liệu người tham gia BHYT là tiền đề cho việc cấp số định danh BHXH, là cơ sở giúp quản lý đối tượng tham gia và hưởng chính sách BHXH, BHYT thống nhất, hiệu quả trên phạm vi toàn quốc; giảm thiểu tình trạng cấp trùng thẻ BHYT cũng như giảm thời gian, thủ tục đổi thẻ BHYT, xác nhận thời gian tham gia 5 năm liên tục...
Dữ liệu người tham gia BHYT khi kết nối liên thông với Hệ thống thông tin giám định KCB BHYT sẽ giúp cho cơ quan BHXH xác định về tình trạng tham gia BHYT của đối tượng, quyền lợi được hưởng và lịch sử KCB của cá nhân; Dữ liệu người tham gia BHYT góp phần cung cấp dữ liệu ban đầu để Xây dựng hệ thống cấp số định danh và quản lý BHYT hộ gia đình. Đặc biệt, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư triển khai xong, BHXH Việt Nam sẽ đảm bảo việc kết nối với cơ sở dữ liệu này để thống nhất, đồng bộ trên phạm vi toàn quốc.
Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn khẳng định, BHXH Việt Nam sẽ kiên quyết hạn chế tối đa tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, vì đó chính là biện pháp bảo đảm chính sách an sinh cho người dân.